Tiến trình Chính_phủ_Bắc_Dương

Kế thừa cương vực nhà Thanh

Ngày 12 tháng 2 năm 1912, Long Dụ thái hậu của triều Thanh ban chiếu cho Viên Thế Khải toàn quyền thành lập chính phủ lâm thời tại Bắc Kinh[6]. Ngày 13 tháng 2, Tôn Trung Sơn tuân thủ cam kết từ Nghị hòa Nam-Bắc, từ chức trước Tham nghị viện, đồng thời tiến cử Viên Thế Khải làm đại tổng thống[7]. Ngày 15 tháng 2, Viên Thế Khải được bầu làm đại tổng thống lâm thời thứ hai, đến ngày 10 tháng 3 thì tuyên thệ nhậm chức tại Bắc Kinh[8]. Đầu tháng 12 năm 1912 đến tháng 3 năm 1913, Chính phủ Lâm thời Bắc Kinh cử hành bầu cử quốc hội khóa 1, Tống Giáo Nhân lãnh đạo Quốc Dân đảng giành đa số ghế trong lưỡng viện[9]. Ngày 22 tháng 3 năm 1913, Tống Giáo Nhân bị ám sát trong khi sắp nhậm chức tổng lý nội các[10]. Ngày 8 tháng 4 năm 1913, Quốc hội khóa I Trung Hoa Dân Quốc được triệu tập tại Bắc Kinh. Trong giai đoạn này, Viên Thế Khải hấp thu giới tinh anh xã hội, nhân sĩ Bắc Dương và thiểu số đảng cách mạng thành chính phủ mới, thể chế chính phủ trung ương của Trung Hoa Dân Quốc dần được xác lập, đến ngày 6 tháng 10 tiến hành bầu cử đại tổng thống, Viên Thế Khải trở thành đại tổng thống chính thức đầu tiên, nhậm chức vào ngày 10 tháng 10.

Tháng 7 năm 1913, Tôn Trung Sơn lấy lý do Tống Giáo Nhân bị ám sát và Viên Thế Khải vay mượn nhục nhã phương Tây khi chưa được Quốc hội đồng ý, phát động cách mạng lần thứ hai, song đến tháng 8 thì thất bại hoàn toàn, ông phải lưu vong tại Nhật Bản[11][12]. Nhật Bản đề xuất 21 điều gây khó khăn cho Viên Thế Khải, dưới nhiều bối cảnh bất lợi, các ngôn luận như "cộng hòa không hợp với tình hình Trung Quốc" không ngừng truyền bá trong xã hội, các nơi kiến nghị Viên Thế Khải thi hành quân chủ lập hiến để củng cố nền tảng quốc gia, Viên Thế Khải cuối cùng vào ngày 12 tháng 12 năm 1915 đồng ý bắt đầu trù bị chế độ quân chủ lập hiến Trung Hoa Đế quốc, định vào năm 1916 lên ngôi vua và cải niên hiệu thành "Hồng Hiến". Tuy nhiên, Trung Hoa Cách mạng đảng của Tôn Trung Sơn, Tông Xã đảng của quý tộc Mãn Thanh đều được Nhật Bản tài trợ, cũng với Khởi nghĩa Vân Nam của Thái Ngạc ngăn chặn[13], ngày 22 tháng 3 năm 1916 Viên Thế Khải chưa lên ngôi vua đã phải tuyên bố triệt tiêu chế độ quân chủ, Trung Hoa Đế quốc chưa trở thành quốc danh chính thức. Ngày 6 tháng 6 năm 1916, Viên Thế Khải bị bệnh mất.[14]

Phe Bắc Dương nắm quyền

Sau khi Viên Thế Khải từ trần, không ai có năng lực thống trị toàn thể quân phiệt Bắc Dương. Phe Bắc Dương sau đó phân thành ba thế lực lớn là Trực hệ, Hoản hệ, Phụng hệ. Từ sau Chiến tranh Hộ quốc, quân phiệt các địa phương cũng bắt đầu hình thành. Quân phiệt địa phương trên danh nghĩa chịu sự chi phối của chính phủ trung ương Bắc Kinh, song chính phủ trung ương Bắc Kinh thực tế trở thành vũ đài của Bắc Dương quân phiệt, là nguyên nhân chính khiến hậu thế gọi là chính phủ "Bắc Dương".

Trong giai đoạn này, Chính phủ Bắc Dương theo trình tự dân chủ, do Quốc hội tuyển chọn đại tổng thống và tổng lý quốc vụ. Năm 1925, Trung Quốc Quốc Dân đảng thành lập Chính phủ Quốc dân, đồng thời do Tưởng Giới Thạch lĩnh quân Bắc phạt. Ngày 3 tháng 6 năm 1928, chính phủ quân sự của Trương Tác Lâm tan rã. Ngày 8 tháng 6, Quốc Dân Cách mạng quân chiếm được Bắc Kinh. Ngày 29 tháng 12 năm 1928, lãnh tụ Phụng hệ là Trương Học Lương cho hạ Ngũ sắc kỳ, treo Thanh thiên bạch nhật mãn địa hồng kỳ, sử gọi là Đông Bắc thay cờ. Đến đây, Chính phủ Bắc Dương kết thúc hoạt động, Bắc Dương phái rút khỏi vũ đài lịch sử.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chính_phủ_Bắc_Dương http://www.bjnews.com.cn/ent/2011/07/27/139739.htm... http://www.people.com.cn/GB/14738/14761/25881/2529... http://history.sina.com.cn/bk/mgs/2013-09-10/16535... http://ejm.ruc.edu.cn/readnews.aspx?nid=310 http://wwwbig5.hljnews.cn/fou_jsxy/2011-01/24/cont... http://www.olympic.cn/games/summer/china/2004-03-2... http://news.banbijiang.com/zawen/lishi/2013/0613/1... http://www.chinainperspective.com/ArtShow.aspx?AID... http://www.huaxia.com/zhwh/whrw/2013/08/3458837.ht... http://book.ifeng.com/shuzhai/detail_2012_11/21/19...